Ad Code

Mô hình VaR ( Value at Risk)

Giới Thiệu Độ Đo Rủi Ro VaR và Ứng dụng trên TTCK Việt Nam


PHẦN MỞ ĐẦU


Quý nhà đầu tư và bạn đọc thân mến, quản trị rủi ro là một vấn đề không mới khi mà chúng ta đã dần quen thuộc với cụm từ này trong những năm gần đây, dù đây lại là lĩnh vực được quan tâm và triển khai trên thế giới từ lâu. Quản trị rủi ro đang được chú ý hơn đối với lĩnh vực Tài chính Ngân hàng ở nước ta, khi mà các định chế tài chính lớn trong nước đang từng bước nâng cấp hoạt động quản trị rủi ro để tiệm cận gần hơn với tiêu chuẩn chung của Thế giới hiện nay ( Các vấn đề Quản trị rủi ro theo Tiêu chuẩn Basel I, II và III).

Tuy nhiên, Quản trị rủi ro lại khá mới mẻ đối với chúng ta trong Lĩnh vực chứng khoán, mặc dù vấn đề này hết sức cấp thiết và ảnh hưởng hàng ngày đối với tất cả các thành phần tham gia thị trường. Vấn đề Rủi ro của thị trường chung, Vấn đề quản lý danh mục cổ phiếu, Vấn đề điều tiết định lượng và có hiệu quả trong lĩnh vực cho vay kỹ quỹ (cho vay Margin)... là những câu hỏi được đặt ra khá thường xuyên đối với Nhà đầu tư, các Tổ chức và các Công ty Chứng khoán.

Dù tham gia thị trường với tư cách nào thì kiểm soát được rủi ro cũng có giá trị tương đương như tìm cách gia tăng thêm được lợi nhuận trong suốt quá trình đầu tư hay hoạt động kinh doanh. Những câu hỏi thường được đề cập ví dụ như : Thị trường có thể điều chỉnh sâu đến mức nào? Hoặc khoản lỗ tối đa trong một thời kỳ trong mỗi danh mục của nhà đầu tư là bao nhiêu? Hoặc liệu có nên để tỷ lệ cho vay ký quỹ đối với các cổ phiếu trên thị trường là như nhau, hay là khác nhau, hay là có thể định lượng được tỷ lệ cho vay ký quỹ ở mỗi thời điểm của thị trường và đánh giá từ chất lượng cổ phiếu để có thể giúp được cả Công ty chứng khoán mà còn cả nhà đầu tư tránh được rủi ro ký quỹ không?

Thực sự chúng ta cũng đang từng ngày giải quyết vấn đề quản trị rủi ro theo những cách khác nhau, với mục đích nắm bắt và phần nào kiểm soát được mức độ thiệt hại nếu rủi ro xảy ra. Chúng tôi xin được giới thiệu đến quý nhà đầu tư và bạn đọc một công cụ có thể giúp chúng ta phần nào tính toán được sự thiệt hại ( tổn thất) trong trường hợp có phát sinh rủi ro trong quá trình đầu tư cũng như trong hoạt động cho vay, đó là công cụ tính VaR ( Value at Risk - Giá trị Rủi Ro). Từ kiến thức chung đến Ứng dụng trong từng trường hợp cụ thể, Công cụ tính toán VaR có thể xác định được mức tổn thất tối đa có thể chạm đến trong từng khung thời gian cụ thể và với một mức độ tin cậy nhất định.


Mặc dù còn những hạn chế trong kiến thức về Quản trị rủi ro của chúng tôi, tuy thế người viết vẫn sẽ cố gắng truyền tải phương pháp tính toán này trở thành một công cụ có ích cho Nhà đầu tư và bạn đọc trong hoạt động giao dịch và hoạt động kinh doanh trên Thị trường chứng khoán.



TIẾP CẬN KHÁI NIỆM VaR



Trong việc quản lý một danh mục bao gồm nhiều tài sản ( chứng khoán), ngoài việc cần cân đối tỷ trọng các tài sản để tìm một hướng tạo ra lợi nhuận tối đa ( tất nhiên đây là vấn đề lý thuyết, tuy nhiên chúng ta vẫn thường đặt tỷ trọng lớn đối với những cổ phiếu được kỳ vọng tăng trưởng cao), thì việc xác định một lượng tiền mặt đối ứng để sẵn sàng với rủi ro bất thường cũng là vẫn đề hết sức thiết yếu.

Cũng khá giống như mục đích áp biên độ giá đối với các sàn giao dịch (HXS- 7%, HNX-10%, Upcom-15%), nghĩa là trong một phiên, tối đa khoản lỗ của nhà đầu từ đối với 1 loại cổ phiếu hoặc đối với cả danh mục cũng không thể vượt qua biên độ này. Giá trị VaR có thể cho chúng ta biết một mức tổn thất tối thiểu trong một phiên ( hoặc 1 tuần, 1 tháng) của mỗi một chỉ số, một tài sản, hoặc cả một danh mục sẽ là bao nhiêu, kèm theo một mức độ tin cậy nhất định ( xác suất tin cậy thường là 95%, 97.5%, 99% trong tùy từng trường hợp). Vậy thì VaR có gì ưu việt hơn về thị trường đã có sự áp dụng biên độ giá?

Trước khi nói về sự khác biệt, người viết đưa ra một vài ví dụ trực quan lên quan đến biến động P&L (Profit&Loss) của một vài cổ phiếu, biên độ giá, và các giá trị VaR tính toán trên cùng một đồ thị, như sau:



P&L của cổ phiếu GAS

P&L của cổ phiếu VCB

P&L của cổ phiếu VNM

Đối với các cổ phiếu cơ bản ta thấy rất hiếm trường hợp tăng kịch trần hoặc chạm sàn trong phiên, cụ thể khi quan sát 3 cổ phiếu BCs trên, rất hiếm trường hợp P&L chạm đường biên màu xanh lá cây ( Biên trên 7%) và chạm đường màu đỏ ( Biên dưới -7%).

Ngược lại, đối với một số cổ phiếu nóng thì tần suất chạm hai biên này sẽ lớn hơn nhiều.
P&L của cổ phiếu HHS
Nhà đầu tư và bạn đọc thử quan sát lại các đồ thị một lần nữa, chúng ta luôn thấy có những khoảng cách từ hiệu suất thực tế ( đường P&L) với các đường biên độ giá, trường hợp khoảng cách bằng 0 tức là vị trí những điểm chạm của P&L và đường biên độ giá ( khi mà cổ phiếu tăng trần hoặc là giảm sàn trong phiên). Vậy thì giả dụ nếu biết trước rằng, vào ngày mai cổ phiếu của chúng ta sẽ giảm sàn, thì kế hoạch phân bổ tỷ trọng cổ phiếu và tiền đối ứng của chúng ta sẽ là gì? Tất nhiên kế hoạch an toàn là bán toàn bộ cổ phiếu và duy trì tỷ trọng tiền đối ứng 100% (1- Là để tránh mất thành quả, 2- Là sẵn sàng lượng tiền để mua ở mức giá thấp hơn). Ngược lại, nếu chúng ta biết rõ ngày mai cổ phiếu của chúng ta sẽ tăng trần và chúng ta được phép mua bán T+0, phương án khả thi nhất là chúng ta sẽ mua hết  số tiền đang có trong tài khoản (all in - biến 100% lượng tiền mặt thành cổ phiếu).

Như vậy, nếu cổ phiếu giảm càng sâu ta cần một lượng tiền đối ứng càng lớn, ngược lại nếu cổ phiếu tăng càng tốt, thì lượng tiền đối ứng càng nhỏ để nhường chỗ cho sự gia tăng khối lượng cổ phiếu. Khoảng cách giữa P&L và các biên thể hiện một sự đối ứng của tiền đối với khối lượng cổ phiếu đang nắm giữ. Khoảng cách của P&L với biên dưới càng lớn, ta cần một lượng tiền đối ứng càng lớn.

Phần lớn chúng ta không thể biết được chính xác được ngày mai có chắc chắn xảy ra một sự giảm sàn hay tăng trần của mỗi một cổ phiếu. Nhưng chúng ta chắc chắn 100% rằng, P&L không thể nào vượt qua được biên độ giá nếu giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, vậy thì không khi nào chúng ta không duy trì lượng tiền đối ứng để phòng trường hợp giảm sàn, và điều này cũng không phải là xảy ra thường xuyên. Và nếu cứ để tỷ trọng tiền đối ứng cao như thế, có thể chúng ta sẽ lỡ cơ hội gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong những tình huống kỳ vọng tích cực hơn, và chưa tính đến các khoản chi phí cho nguồn tài trợ. Các tỷ trọng thường được chúng ta áp dụng cho cổ phiếu và danh mục, như Cổ phiếu/ Tiền mặt là 50/50, 70/30, 30/70, 0/100... và trường hợp toàn cổ phiếu 100/0.

Phần tiền đối ứng cần được duy trì là cách để tránh thiệt hại khi rủi ro xảy ra, nó vừa thể hiện mức độ chịu rủi ro của mỗi cá nhân hoặc tổ chức tham gia thị trường. Động thái sau khi xảy ra rủi ro là bù vào phần đã vay nếu chúng ta đã vay trước đó, hoặc là sẵn sàng tham gia với lượng cổ phiếu lớn hơn nữa ở mức giá thấp hơn để kéo giá mua giảm xuống đối với một đơn vị cổ phiếu. Hay nói cách khác là lượng tiền dự phòng để chúng ta có thể chủ động hơn trong trường hợp rủi ro xảy ra. 

Nếu xác định được lượng tiền cần thiết có thể đáp ứng gần sát với giá trị thực tế tổn thất nhất, chúng ta có thể vừa tài trợ được rủi ro, vừa không mất đi chi phi cơ hội sử dụng tiền và cả chi phí vốn. Nhưng làm sao tính toán được là cần lượng tiền đối ứng hợp lý là bao nhiêu trong mỗi một thời kỳ của thị trường? Giá trị VaR sẽ giải quyết câu trả lời này thông qua một mức độ tin cậy xác suất nhất định.

Ví dụ về biến cố chắc chắn : Hôm nay phiên ngày thứ năm 13/10/2016, cổ phiếu VCB tham chiếu tại mức giá 37.60, giá trần 40.20, giá sàn 35.00, chúng ta nói rằng " VCB có thể điều chỉnh tối đa về mức giá sàn 35.00" là một biến cố chắc chắn. Điều này có nghĩa là, với độ tin cậy 100%, VCB sẽ rớt giá tối đa về giá 35.00. Vậy nếu ở độ tin cậy 99%, 97.5% hay chỉ 95% thì VCB có thể rớt tối đa về giá bao nhiêu? Đó là giá trị của VaR phản ánh mức giá VCB có thể rớt xuống với mỗi một độ tin cậy tương ứng, chúng ta gọi tắt VaR99, VaR97.5 và VaR95. Vậy đối với một danh mục gồm nhiều cổ phiếu chúng ta cũng hoàn toàn xét được mức tổn thất tối đa trong một thời kỳ ( theo phiên, tuần, tháng) sẽ là bao nhiêu là hợp lý ứng với các độ tin cậy khác nhau. Và còn áp dụng đối với cả việc nghiên cứu chỉ số thị trường chung, chẳng hạn hôm nay, tuần này, tháng này, chỉ số VN-index có thể rớt xuống mức tối đa nào tương ứng với các độ tin cậy cho trước.

Đối với cổ phiếu : Nếu giá cổ phiếu VCB phiên này chúng ta tính mức điều chỉnh tối đa 1.92% ( tương ứng mức giá 36.88) với độ tin cậy 95%, và 5% còn lại VCB có thể rớt xuống thấp hơn giá 36.88, thì điều này có thể giúp chúng ta nhiều hơn trong việc cân đối tỷ trọng cổ phiếu hơn là một biến cố chắc chắn rằng, VCB điều chỉnh tối đa 7%( giá sàn 35.00) với độ tin cậy 100%. 

Đối với danh mục: Với một danh mục cổ phiếu gồm n tài sản, chúng ta cũng hoàn toàn tính được giá trị tổn thất tối đa theo thời kỳ và với độ tin cậy cho trước bằng việc tính toán một giá trị VaR cho danh mục, hơn là chỉ biết một biến cố chắc chắn rằng, danh mục rẽ chỉ mất một giá trị tối đa bằng khoản đầu tư nhân với biên độ giá.

Đối với chỉ số thị trường: Chúng ta cũng có thể gượng ép để nói chỉ số VN-index cũng có thể mất tối đa 7% trong một phiên ( người viết cho rằng sự kiện này là thảm họa khủng khiếp nếu tất cả các cổ phiếu trên sàn HSX giảm sàn), điều này đúng 100% nhưng đối với chúng ta có vẻ hơi khó tin! Chính vì vậy, một giá trị tổn thất -0.9%, -1.1%, -1.3% trong phiên thì đáng tin hơn đối với chúng ta, đây cũng là mức VaR95, VaR975, VaR99 tính toán được gần nhất ( phiên thứ Năm 13/10/2016). Chúng ta cũng hoàn toàn nói ngược lại rằng, chỉ 5% xác suất xảy ra kịch bản chỉ số thị trường VN-index giảm hơn mức -0.9% ( Nếu điều này xảy ra, thì người viết kịp nghĩ rằng nó khá hiếm bởi vì chỉ 5% trường hợp rớt sâu hơn mức này, vậy thì liệu có nên tham gia quá trình BẮT ĐÁY nếu nó giảm sâu như vậy không? Có thể là đáy lắm chứ!)

...(P2 - Hướng dẫn cách tính VaR)...


P&L của chỉ số VN-index







Bởi vì Rủi ro cũng chỉ là một khái niệm của xác suất về những điều mơ hồ

Bởi vì Rủi ro có thể mang đến những tổn thất mất mát  nhưng cũng có thể mang lại những lợi ích, những cơ hội

Và Bởi vì  Rủi ro chỉ là Trò chơi của những kẻ thống trị

Giới Thiệu Độ Đo Rủi Ro VaR và Ứng dụng trên TTCK Việt Nam

CÁCH TÍNH GIÁ TRỊ VaR


Theo định nghĩa toán học, VaR là mức phân vị thứ α (alpha) của một hàm phân phối chuẩn hóa. Quả thực định nghĩa này là khó hiểu đối với phần đông chúng ta và cũng không kém mơ hồ. Thế nhưng, người viết vẫn phải nêu ra định nghĩa chuẩn của giá trị VaR vì đây là phần không thể thiếu khi giới thiệu về bất kỳ điều gì mới, cũng giống như các giới thiệu về Một chức danh mới của một yếu nhân nào đó, Một sự kiện mới, Một tính năng mới, Một khái niệm mới, hay đơn giản chỉ là Một vật kỳ quặc mà chúng ta chưa hề biết về nó và lý do vì sao nó tồn tại...

Đó là định nghĩa học thuật của VaR, và giá trị VaR cũng được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau, cũng khó hiểu không kém : "VaR là một giá trị ngưỡng sao cho xác suất để tổn thất danh mục ( tài sản, chỉ số...) trong khoảng thời gian nhất định không vượt quá giá trị này là một xác suất cho trước"...

Vậy thì làm sao để hiểu rõ về VaR bằng định nghĩa như vậy nếu chúng ta chưa được trang bị những nền tảng của học thuật. Nhà đầu tư và quý độc giả có thể trở về đọc phần Tiếp cận Khái niệm VaR ờ phần 1 thêm một lần nữa để hiểu rõ VaR gắn với những nhu cầu thực tế trong giao dịch hàng ngày trên thị trường về Quản trị rủi ro đối với Cổ phiếu, Danh mục nhiều tài sản và Chỉ số thị trường.

Thế thì xuất phát từ nhu cầu Quản trị rủi ro thực tế, người viết khái quát VaR như một mức ( Giá trị theo đơn vị tiền tệ, Giá trị tương đối theo phần trăm) mà một khoản đầu tư có thể giảm xuống tối đa trong một đơn vị thời gian ( ngày, tuần, tháng) với một độ tin cậy bằng xác suất cho trước ( 95%, 97.5%, 99%)

Chẳng hạn, Ngày hôm nay giá trị danh mục của chúng ta là 100 triệu đồng, thì khoản đầu tư này có thể giảm sút xuống còn 96.8 triệu (tương ứng giảm 3.2%) khi kết thúc phiên hôm nay, với độ tin cậy lên đến 95%, khi đó chúng ta nói VaR(100 triệu,1 ngày, 95%) = 96.8 triệu hoặc là VaR(P&L, 1 ngày, 95%) = -3.2%.


Có quá nhiều cách để tính VaR, đi từ đơn giản đến phức tạp, từ 1 cổ phiếu đến danh mục nhiều tài sản và cả chỉ số, tuy nhiên ở mức độ chúng ta có thể tiếp cận và ứng dụng ngay được, người viết giới thiệu cách tính VaR đơn giản nhất giúp nhà đầu tư và bạn đọc có thể tự mình thử nghiệm. 


Phương pháp Ước lượng VaR sử dụng các ước lượng không chệch




1. Tính P&L cho cổ phiếu, danh mục và chỉ số



P&L chính là phần trăm tăng lên hoặc giảm đi của một cổ phiếu, hoặc một danh mục, hoặc một chỉ số. 
Đối với một cổ phiếu hoặc một chỉ số, P&L chính là sự chênh lệch của giá phiên hôm nay trừ giá phiên trước đó, chia cho giá của phiên trước đó ( [Close(t) - Close(t-1)]/Close(t-1)).
Đối với một danh mục, P&L của danh mục chính là P&L bình quân gia quyền các cổ phiếu có trong danh mục ( tức là bằng tổng các P&L đơn lẻ nhân với tỷ trọng có sẵn theo giá trị của mỗi một cổ phiếu trong danh mục)


2. Xác định các giá trị Trung bình mẫu và Phương sai mẫu


Đây là hai đại lượng không thể thiếu khi tính giá trị VaR theo phương pháp này. Các giá trị Trung bình mẫu và Phương sai mẫu được xem là các ước lượng không chệch của giá trị Kỳ vọng (E(P&L)) và Phương sai (Var(P&L)). 

Trung bình mẫu = Tổng n giá trị P&L trong n phiên chia cho n =
                         = [P&L(t-n-1)+..+P&L(t-1)+P&L(t)]/n

Phương sai mẫu = Tổng sai lệch bình phương của n P&L trong n phiên và Trung bình mẫu chia cho n -1 =  =[(P&L(t-n-1)- Trung bình mẫu)^2+..+(P&L(t-1)- Trung bình mẫu)^2+(P&L(t)- Trung bình mẫu)^2]/(n-1)

Nếu khó hiểu quá thì thực ra 2 giá trị này trông như thế này: 



Để xác định trung bình mẫu ta sử dụng hàm AVERAGE, phương sai mẫu ta dùng hàm VAR trong Excel.

3. Tính VaR


Tính theo giá trị phần trăm

VaR95 = Trung bình mẫu - 1.65*(Phương sai mẫu)^0.5
VaR975 =Trung bình mẫu - 1.96*(Phương sai mẫu)^0.5
VaR99 = Trung bình mẫu - 2.33*(Phương sai mẫu)^0.5

Tính theo giá trị bằng tiền cho danh mục

VaR95 = (1+Trung bình mẫu - 1.65*(Phương sai mẫu)^0.5)*Giá trị bằng tiền của danh mục
VaR975 = (1+Trung bình mẫu - 1.96*(Phương sai mẫu)^0.5)*Giá trị bằng tiền của danh mục
VaR99 = (1+Trung bình mẫu - 2.33*(Phương sai mẫu)^0.5)*Giá trị bằng tiền của danh mục

Tính theo giá trị bằng tiền cho chỉ số

VaR95 = (1+Trung bình mẫu - 1.65*(Phương sai mẫu)^0.5)*Chỉ số đóng cửa
VaR975 = (1+Trung bình mẫu - 1.96*(Phương sai mẫu)^0.5)*Chỉ số đóng cửa
VaR99 = (1+Trung bình mẫu - 2.33*(Phương sai mẫu)^0.5)*Chỉ số đóng cửa

...(P3- Ứng dụng trên TTCK Việt Nam)...


Giá GAS, VaR95 và giá sàn dự kiến

Giá HHS, VaR95 và giá sàn dự kiến

Giá VCB, VaR95 và giá sàn dự kiến

Giá VNM, VaR95 và giá sàn dự kiến


VaR danh mục 2 cổ phiếu REE và SAM tính theo giá trị tiền theo nhiều phương pháp tính VaR






Bởi vì Rủi ro cũng chỉ là một khái niệm của xác suất về những điều mơ hồ

Bởi vì Rủi ro có thể mang đến những tổn thất mất mát  nhưng cũng có thể mang lại những lợi ích, những cơ hội

Và Bởi vì  Rủi ro chỉ là Trò chơi của những kẻ thống trị

Giới Thiệu Độ Đo Rủi Ro VaR và Ứng dụng trên TTCK Việt Nam

ỨNG DỤNG VaR TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM


Cho lượng tiền mặt đối ứng hay việc phân bổ tỷ trọng Tiền mặt/ Cổ phiếu


Giá trị VaR có thể cho chúng ta biết mức tổn thất tối đa của một cổ phiếu, danh mục cổ phiếu hay một chỉ số, với một độ tin cậy xác suất nhất định, trong một khung thời gian cố định. Như vậy, ở một điều kiện thị trường thông thường, nhà đầu tư biết được một tỷ lệ phần trăm tổn thất xác thực hơn là biên độ giá sàn ( HSX-7%, HNX-10%, Upcom-15%), hoặc mức giá tối đa có thể điều chỉnh xuống, một sự điều chỉnh tối đa về giá trị danh mục, một sự điều chỉnh tối đa của chỉ số, trước khi bắt đầu một phiên giao dịch tiếp theo (hoặc trước 1 tuần giao dịch, 1 tháng giao dịch). Như thế thì có lợi gì? Chúng ta có kế hoạch chuẩn bị một lượng tiền mặt đối ứng theo mức VaR tính toán được, hay nói khác đi chúng ta có kế hoạch phân bổ tỷ trọng Tiền mặt/ Cổ phiếu để trở nên an toàn hơn.

Trở lại ví dụ đơn giản đối với cổ phiếu VCB (danh mục cổ phiếu chỉ có một loại cổ phiếu) trong phiên 
ngày thứ năm 13/10/2016, cổ phiếu VCB tham chiếu tại mức giá 37.60, giá trần 40.20, giá sàn 35.00, chúng ta đã tính được mức VaR95 cho VCB = 36.88, mức điều chỉnh tối đa 1.92% ( tương ứng mức giá 36.88) với độ tin cậy 95%, và 5% còn lại VCB có thể rớt xuống thấp hơn giá 36.88. 

Liên quan đến việc phân bổ tỷ trọng Tiền mặt/ Cổ phiếu, người viết giới thiệu thêm công thức Kelly, công thức này cũng thường hay sử dùng trong các hoạt động cờ bạc và cá độ, nhưng dựa trên cơ sở toán học về xác suất thắng/thua cũng như phần nhận được nếu thắng và phần tổn thất nếu thua, công thức như sau:


Tỷ trọng Chứng khoán/ Danh mục = (bp-q)/b

Trong đó : b tỷ lệ thắng (>1 lần), p xác suất thắng, q xác suất thất bại

và mở rộng ra như sau:

Tỷ trọng Tiền/ Danh mục = (b’p’-q’)/b’
Trong đó : b'  tỷ lệ thất bại (> 1 lần), p'  xác suất thất bại, q'  xác suất thắng

Chỉ số b bà b' dựa trên phần trăm nhận được nếu thắng và nếu thua. Dựa vào VaR chúng ta đã tin cậy được vào phần trăm điều chỉnh nếu trong trong trường hợp cổ phiếu, chỉ số hoặc danh mục bị điều chỉnh trong phiên. Phần trăm nhận được nếu thắng thông thường lại dựa vào đánh giá của mỗi cá nhân tổ chức tham gia thị trường. Tỷ trọng Tiền/ Danh mục cao thì sẽ an toàn hơn, khi mà phần tỷ lệ thất bại cao hơn và kèm theo xác suất thất bại cao hơn. Nếu tính toán dựa vào VaR cho tỷ lệ điều chỉnh, thì với cùng một mức an toàn như trước, tuy nhiên Tỷ trọng Tiền/ Danh mục sẽ giảm đi, như thế chúng ta có cơ hội nắm giữ nhiều hơn khi mà Biến động cổ phiếu, danh mục và chỉ số tăng lên đúng như mức mà chúng ta kỳ vọng từ trước.


Là nhân tố tin cậy cho phép đánh giá lại tỷ lệ cho vay margin đối với các công ty chứng khoán


Thực ra những biến động cổ phiếu là bất thường và biến đổi theo phiên, nếu một tỷ lệ vay được ấn định từ trước đó đối với một số cổ phiếu điều chỉnh sâu trong suốt một quá trình sẽ mang lại rủi ro cho hoạt động vay và cho vay của nhà đầu tư lẫn công ty chứng khoán.Việc thay đổi tỷ lệ cho vay margin theo tuần, tháng sẽ trở nên hiệu quả hơn và cập nhật hơn nếu chúng ta biết rằng, trong tuần tới, tháng tới, giá cổ phiếu hoặc chỉ số có thể giảm sâu nhất về mức nào với một độ tin cậy chấp nhận được (95%, 97.5%, 99%). Như thế đối với mỗi một mã cổ phiếu, chúng ta ấn định một tỷ lệ cho vay hiệu quả hơn là đánh đồng đều đối với toàn bộ cổ phiếu, hay phân loại cổ phiếu theo mệnh giá hay vốn hóa thị trường ( tất nhiên là cổ phiếu của chúng ta vẫn nằm trong danh sách được phép vay).

Chúng ta khai thác 2 điểm của ngưỡng VaR mà người viết cho rằng là có ích. 

Một là, Sự ổn định của cổ phiếu thường gắn với một sự an toàn nhất định, nếu ngưỡng VaR được duy trì càng gần với tổn thất thực tế thì càng cần ít trích lập khoản dự phòng. Ngược lại, dự báo về mức độ có thể thiệt hại của cổ phiếu nằm xa hơn với thiệt hại thực tế thì khoản trích lập cũng phải tăng lên tương ứng. Như vậy, rủi ro tăng lên, trích lập dự phòng càng nhiều thì cũng đồng nghĩa với tỷ lệ cho vay margin không thể cao được . Rủi ro sẽ không còn là rủi ro nếu chúng ta đánh giá gần đúng nhất về mức độ thiệt hại. Ở chiều ngược lại, trong một ngưỡng chịu đựng rủi ro được xác định từ trước có thể tin cậy được(95%, 97.5%, 99%), ta hoàn toàn có thể nâng tỷ lệ cho vay margin cao lên mà không còn e ngại về rủi ro của sự điều chỉnh giá. 

Hai là, Nếu tổn thất thực tế vượt qua ngưỡng VaR dự báo thì sao? Đây là trường hợp hiếm, nếu đánh giá trên phương diện là nhà đầu tư là cơ hội Mua ở vùng giá thấp hơn vì khả năng P&L sẽ hồi phục trở lại cao hơn ngưỡng VaR đánh giá, nhưng trên phương diện cho vay của công ty chứng khoán thì rủi ro đã sinh ra và có thể gây những tổn thất nhất định cho hoạt động cho vay. Nếu chúng ta dựa vào số lần giá trị tổn thất của mỗi cổ phiếu vượt ngưỡng VaR là tiêu chí để tăng hay giảm tỷ lệ cho vay margin thì người viết cho rằng là điều khá hợp lý. Bởi vì, chúng ta không thể cấp margin cao hơn cho một cổ phiếu liên tục chạm sàn so với một cổ phiếu hiếm khi điều chỉnh giảm sàn.


Một ngưỡng hỗ trợ tin cậy có thể dự báo trước và tham gia thị trường ở vùng giá thấp hơn


Đứng trên phương diện Phân tích kỹ thuật, mức VaR95 có thể xem như mức Hỗ trợ cho vận động giá của cổ phiếu, hoặc chỉ số với độ tin cậy lên đến 95%. Chỉ có 5% trường hợp Giá cổ phiếu hoặc chỉ số có thể rớt ra ngoài khoảng này ( vì 5% cũng là một xác suất thấp) vậy thì sẽ có khả năng cao rằng vận động giá hoặc chỉ số có thể vượt lên trên mức VaR95 ở những phiên kế tiếp ( Tín hiệu BẮT ĐÁY hoặc MUA ở vùng xác suất thấp mà cơ hội hồi phục cao đối với những cổ phiếu cơ bản chịu những nhịp điều chỉnh ngắn hạn). 
Ứng dụng VaR95 BẮT ĐÁY thị trường


Ứng dụng VaR95 BẮT ĐÁY cổ phiếu GAS
Ứng dụng VaR95 BẮT ĐÁY cổ phiếu DXG









Bởi vì Rủi ro cũng chỉ là một khái niệm của xác suất về những điều mơ hồ

Bởi vì Rủi ro có thể mang đến những tổn thất mất mát  nhưng cũng có thể mang lại những lợi ích, những cơ hội

Và Bởi vì  Rủi ro chỉ là Trò chơi của những kẻ thống trị

Post a Comment

0 Comments

Ad Code