Chứng Khoán Phái Sinh- Chứng Quyền Covered Warrant- Mô hình định giá Chứng quyền Black - Scholes
Ngày 11/06/2019
Bạn thân mến,
Cũng giống như các Hợp đồng Tương lai, sản phẩm Chứng quyền Covered Warrant (CW) cũng là một loại chứng khoán Phái sinh, dựa trên một tài sản, chỉ số trên thị trường Cơ sở.
Các Hợp đồng Tương lai đang giao dịch trên thị trường được tham chiếu bởi chỉ số cơ sở là chỉ số VN30, cho phép thực hiện Mua và Bán hai chiều hợp đồng và thanh toán hợp đồng mở vào ngày đáo hạn của hợp đồng. Sản phẩm chứng quyền sẽ hơi khác một chút, các chứng quyền được tham chiếu bởi 1 tài sản cơ sở là một cổ phiếu (chẳng hạn như MWG, FPT, PNJ, HPG...), chỉ cho phép thực hiện một quyền Mua dựa trên giá của cổ phiếu đó trên thị trường cơ sở và thanh toán quyền Mua bằng tiền vào ngày đáo hạn của hợp đồng.
Ví dụ Phát sinh Lãi lỗ khi Mua và thực hiện quyền Mua
Quyền Mua một cổ phiếu với Giá thực hiện được ấn định trước tại 1 thời điểm đáo hạn. Nếu Giá cổ phiếu tại thời điểm đáo hạn cao hơn so với Giá thực hiện, thì giá trị của một chứng quyền bằng chênh lệch giữa Giá cổ phiếu tại thời điểm đáo hạn và Giá thực hiện được ấn định trước. Khoản lãi lỗ được phát sinh dựa vào chênh lệch của giá trị chứng quyền và giá chứng quyền tại thời điểm mua.
Đơn giản hơn, nếu bạn mua một chứng quyền MWG trên sàn với giá 1 chứng quyền là 2.000 đồng, Giá thực hiện quyền MWG tại thời điểm đáo hạn là 88.300 đồng. Tỷ lệ chuyển đổi 4:1 ( Tức là mua 4 Chứng quyền sẽ thực hiện được 1 quyền mua MWG với giá thực hiện 88.300 đồng).
+ Tại thời điểm đáo hạn hợp đồng, Giá MWG là 100.000 đồng, thì giá trị chứng quyền trên 1 đơn vị chứng quyền là (100.000-88.300)/4 = 2.925 đồng, như vậy khoản lãi phát sinh trên 1 đơn vị chứng quyền là 2.925-2.000= 925 đồng. Nếu bạn mua 1000 chứng quyền tại thời điểm ban đầu, bạn nhận được khoản lãi 925*1000= 925.000 đồng, Hiệu suất đầu tư = 925*100%/2000 = +46.25%.
+ Tại thời điểm đáo hạn hợp đồng, Giá MWG là 96.300 đồng, thì giá trị chứng quyền trên 1 đơn vị chứng quyền là (96.300-88.300)/4 = 2.000 đồng, như vậy khoản lãi lỗ phát sinh trên 1 đơn vị chứng quyền là 2.000-2.000= 0 đồng. Nếu bạn mua 1000 chứng quyền tại thời điểm ban đầu, bạn nhận được khoản lãi 0 đồng, Hiệu suất đầu tư = 0%. Giá MWG 96.300 đồng tại thời điểm đáo hạn gọi là điểm hòa vốn.
+ Tại thời điểm đáo hạn hợp đồng, Giá MWG là 80.000 đồng, thì giá trị chứng quyền trên 1 đơn vị chứng quyền là Max((80.000-88.300)/4,0)= 0 đồng, như vậy khoản lỗ phát sinh trên 1 đơn vị chứng quyền là 0 -2.000= -2000 đồng. Nếu bạn mua 1000 chứng quyền tại thời điểm ban đầu, bạn nhận được khoản lỗ -2000*1000= -2.000.000 đồng, Hiệu suất đầu tư = -2000*100%/2000 = -100%. Đây là khoản lỗ tối đa.
Đặc điểm của Sản Phẩm Chứng quyền
Các sản phẩm Chứng quyền có bảo đảm sẽ được các Công ty chứng khoán phát hành, cho phép Tổ chức và cá nhân tham gia mua tại thời điểm phát hành. Sau đó, Chứng quyền có thể được mua bán trên sàn như một cổ phiếu thông thường. Thời gian giao dịch bù trừ Chứng quyền cũng giống như cổ phiếu là T+2, nếu bạn mua 1 Chứng quyền nào đó thì sau 2 ngày Chứng quyền sẽ về tài khoản, và nếu bạn bán 1 Chứng quyền trong tài khoản thì sau 2 ngày sẽ nhận tiền về tài khoản.
Giá chứng quyền được xác định trên thị trường thông qua việc giao dịch mua bán chứng quyền trên sàn. Bạn có thể thu được lợi nhuân cũng từ việc mua bán chứng quyền trên thị trường bằng chênh lệch giữa giá bạn bán và giá bạn đã mua trước đó.
Thời gian đáo hạn của 1 loại chứng quyền rơi vào khoảng 3-24 tháng. Tại ngày đáo hạn, nếu bạn còn giữ chứng quyền, thì bạn sẽ được thực hiện quyền đối với chứng quyền với giá cổ phiếu tại thời điểm đáo hạn. Phương thức thanh toán, bạn nhận khoản tiền chênh giữa giá đáo hạn và giá thực hiện được ấn định trước trên 1 đơn vị chứng quyền. Ở trên, tôi có đưa ra 3 kịch bản giá cho cổ phiếu MWG tại ngày đáo hạn, sẽ xác định được khoản lãi /lỗ tại thời điểm đáo hạn.
Kiểu thực hiện quyền là kiểu Châu Âu, tức là bạn chỉ có thể thực hiện quyền tại thời điểm đáo hạn. Nếu kiểu thực hiện quyền là kiểu Mỹ, bạn có thể thực hiện quyền tại bất kỳ thời điểm nào trước thời điểm đáo hạn. Thời gian đầu, các sản phẩm Chứng quyền trên thị trường đều áp dụng kiểu thực hiện quyền theo kiều Châu Âu.
Mô hình định giá Chứng quyền Black - Scholes
Khác với thị giá chứng quyền được quyết định dựa trên việc mua bán chứng quyền trên thị trường. Bạn cần định giá chứng quyền với khoảng thời gian còn lại đến đáo hạn chứng quyền. Cũng tương tự như cổ phiếu, thị giá cổ phiếu là khác với giá cổ phiếu dựa trên các phương pháp định giá. Khi bạn biết được giá trị thực của 1 cổ phiếu hay của 1 chứng quyền, bạn biết nên Mua hay nên Bán chứng khoán đó trên thị trường.
Mô hình Black - Scholes được dùng để định giá quyền chọn, công thức như sau:
Trong đó:
C = Giá trị quyền chọn Mua ( CW)
St = Giá thị trường của cổ phiếu cơ sở
K= Giá thực hiện được ấn định tài thời điểm phát hành
d1 = Tỷ suất sinh lợi kỳ vọng cận trên (cộng 1 nửa độ lệch chuẩn) trên 1 đơn vị rủi ro
d2 = Tỷ suất sinh lợi kỳ vọng cận dưới(trừ 1 nửa độ lệch chuẩn) trên 1 đơn vị rủi ro
N(d1), N(d2)- là xác suất tương ứng của các tỷ suất sinh lợi kỳ vọng
r = lãi suất phi rủi ro
= độ lệch chuẩn ( theo năm)
Ở từng thời điểm t là thời gian còn lại đến thời điểm đáo hạn của hợp đồng, Giá trị chứng quyền sẽ nhận các giá trị khác nhau, giá trị chứng quyền được tính bằng chênh lệch giữa giá hiện tại của cổ phiếu nhân với xác suất trường hợp tỷ suất sinh lợi kỳ vọng cận trên và mức giá thực hiện nhân với xác suất trường hợp tỷ suất sinh lợi kỳ vọng cận dưới. Sự chênh lệch giữa giá thị trường của cổ phiếu và giá thực hiện tại thời điểm đáo hạn kèm theo mức xác suất về kỳ vọng tỷ suất sịnh lợi tương ứng giúp xác định giá trị chứng quyền theo mô hình Black Scholes.
Để đơn giản trong việc định giá, tôi hỗ trợ bạn một file excel định giá chứng quyền theo mô hình Black Scholes. Bạn chỉ cần nhập Giá hiện tại của cổ phiếu, Giá thực hiện chứng quyền khi đáo hạn, ngày đáo hạn, ngày giao dịch đầu tiên, lãi suất phi rủi ro, độ lệch chuẩn theo năm của cổ phiếu và tỷ lệ chuyển đổi, tôi sẽ giúp bạn tính Giá chứng quyền theo mô hình Black Scholes.
Bạn có thể tải file excel mô hình Tính giá Chứng quyền Black - Scholes ở đây.
Hình 1: Mô hình Tính giá Chứng quyền Black- Scholes
Bạn có thể sử dụng bảng tính giá chứng quyền theo Black Scholes của Sở giao dịch chứng khoán ở đây. Tuy nhiên, với Bảng tính trên của Sở, bạn sẽ phải tự tính thời gian còn lại đến kỳ đáo hạn.
Hy vọng một số thông tin và công cụ về Sản phâm Chứng quyền sẽ giúp bạn trong hoạt động đầu tư mới trên thị trường.!
1 Comments
Cảm ơn bạn đã chia sẻ file.
ReplyDeleteTrong file excel của bạn có đặt mã khoá. Bạn có thể cung cấp cho mình được không, vì mình muốn xem các công thức tính d, N(d)
Cảm ơn banj