Ad Code

Phân bổ danh mục trong hoạt động đầu tư – Tỷ trọng cổ phiếu và tiền mặt - Phần 1

 

Phân bổ danh mục trong hoạt động đầu tư

Phần 1: Ý nghĩa của tiền mặt trong danh mục đầu tư - Cất trữ thành quả và tài trợ rủi ro

Bạn đọc thân mến,

Chúng ta thường nghe đến cụm từ “Phân tán rủi ro” trong quản lý tài chính nói chung và hoạt động đầu tư nói riêng, và ít nhiều trong chúng ta cũng hiểu về ý nghĩa của nó. Chúng ta cũng thường nghe rằng “Không nên để trứng vào một rổ”, bởi vì nếu “rổ” bị tác động thì hầu hết tất cả số trứng trong rổ cũng bị ảnh hưởng.

Tài sản tài chính cũng thật mong manh dễ vỡ như trứng trong rổ vậy, chịu tác động rủi ro từ nhiều mặt, các tác động từ nền kinh tế, thị trường chung, và từ các yếu tố nội tại ảnh hưởng đến giá trị của tài sản đó.

Trong quản lý tài chính, người ta rất thường sử dụng các phương pháp kết hợp các loại tài sản theo mức độ: không rủi ro, ít rủi ro, rất rủi ro lại với nhau, đây cũng là đem các trứng phân thành nhiều loại rổ. Trong trường hợp môi trường đầu tư không thuận lợi thì các loại tài sản ít rủi sẽ gián tiếp làm giảm thiệt hại đến toàn bộ danh mục tài sản. Trong trường hợp môi trường đầu tư thuận lợi, chính các tài sản rủi ro có thể tạo ra lợi nhuận tương ứng, giúp danh mục tài sản của chúng ta tăng trưởng. Ví dụ thông thường nhất trong tài chính cá nhân, bạn có thể để 1 phần tài sản của mình ở dạng tiền mặt (không rủi ro nếu không xét yếu tố lạm phát), vàng (ít biến động đóng vai trò là tài sản cất trữ), tiền gửi (tài sản không rủi ro có thể giảm tác động của yếu tố làm phát nhờ vào khoản lãi suất tiền gửi), trái phiếu (tài sản có rủi ro được tài trợ bởi khoản lãi suất từ trái phiếu) cổ phiếu (tài sản rủi ro được đánh đổi bởi cổ tức hoặc để có cơ hội tăng trưởng tốt hơn trong tương lai). Đa dạng tài sản như vậy giúp giảm mức độ thiệt hại trong điều kiện xuất hiện rủi ro đến giá trị tài sản của chúng ta.

Trong quản lý danh mục đầu tư, ngoài việc các thành phần các tài sản được phân bổ trong danh mục như các loại cổ phiếu, trái phiếu… thì tiền mặt cũng tham gia như một loại tài sản trong danh mục đó. Tiền mặt, như một loại tài sản, không chịu biến động từ thị trường, có đầy đủ ý nghĩa về phân tán rủi ro và tài trợ rủi cho toàn danh mục.

Trong hoạt động đầu tư chứng khoán, thường chúng ta thường tìm kiếm của các loại cổ phiếu cơ hội Mua và Nắm giữ cổ phiếu có cơ hội tăng trưởng trong tương lai, mà đôi khi thường bỏ qua việc đánh giá tỷ trọng nên đầu tư bao nhiêu phần trăm các cổ phiếu đó trên tổng giá trị tài sản của mình. Đó là chúng ta mới chỉ giải quyết một nửa bài toán đầu tư, nửa còn lại, quan trọng hơn và có yếu tố quyết định đến hoạt động đầu tư của chúng ta là tỷ trọng đầu tư, có nghĩa là chúng ta đang đề cập đến lượng tiền mặt còn lại nằm trong danh mục.

Có lẽ tôi nên lấy một ví dụ trực quan để có thể hiểu đầy đủ ý nghĩa của tiền mặt trong danh mục đầu tư. Chúng ta có 10 đồng, đầu tư vào cổ phiếu 8 đồng, và giữ lại 2 đồng tiền mặt trong danh mục, như vậy tỷ trọng cổ phiếu: tiền mặt sẽ là 4:1. Nếu trong điều kiên đầu tư thuận lợi,  cổ phiếu tăng 2 đồng từ 8 đồng lên 10 đồng, khi đó hiệu suất đầu tư là 2/10 = 20%, giá trị danh mục cũng tăng lên 12 đồng, vì chúng ta chỉ để tỷ trọng cổ phiếu: tiền mặt là 4:1, như vậy cần bán bớt 1 phần cổ phiếu để trở thành tiền mặt, khi đó chúng ta bán đi 0.4 đồng cổ phiếu, giá trị cổ phiếu bây giờ sẽ là 10-0.4 = 9.6 đồng, và giá trị của tiền mặt sẽ là 2+0.4 = 2.4 đồng, duy trì tỷ trọng cổ phiếu : tiền mặt là 9.6:2.4 = 4:1. Như vậy, việc bán bớt cổ phiếu thành tiền là ý nghĩa cất trữ thành quả của hoạt động đầu tư. Ngược lại, trong điều kiện đầu tư không thuận lợi, cổ phiếu giảm 2 đồng từ 8 đồng xuống 6 đồng, khi đó hiệu suất đầu tư là -2/10 = 20%, giá trị danh mục giảm xuống là 10-2=8 đồng, vì chúng ta chỉ để tỷ tọng cổ phiếu: tiền mặt là 4:1, như vậy, cần chuyển 1 phần tiền mặt trở thành cổ phiếu, khi đó mua thêm 0.4 đồng cổ phiếu, giá trị tiền mặt lúc này còn 2-0.4=1.6 đồng, giá trị cổ phiếu sẽ tăng lên là 6+0.4 = 6.4 đồng, duy trì tỷ trọng cổ phiếu: tiền mặt là 6.4:1.6=4:1. Như vậy, việc mua thêm cổ phiếu là ý nghĩa tài trợ rủi ro trong hoạt động đầu tư.

Qua ví dụ trên có thể thấy, tiền mặt trong danh mục có 2 nghĩa quan trọng là cất trữ thành quả đầu tư và tài trợ rủi ro trong trường hợp môi trường đầu tư không thuận lợi. Giả sử như, tiền mặt không xuất hiện trong danh mục, chúng ta không thể cất trữ thành quả đầu tư, đồng thời cũng không thể thực hiện tài trợ trong trường hợp có xuất hiện rủi ro.


Reactions

Post a Comment

0 Comments

Comments

Ad Code